Mãi mãi kính nhớ thầy Bùi Mạnh Nhị

07/04/2023 15:04

Tôi được nghề giáo chọn khi vừa rời khỏi ghế giảng đường ĐH của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM, về công tác tại bộ môn Văn hóa dân gian (VHDG) của khoa Văn học tại trường. Đến khi vào cao học, trong tư thế của một người chọn đi theo ngành folklore, tôi mới được học thầy Bùi Mạnh Nhị. Những lời thầy giảng về ca dao dân ca trong những ngày tháng đó, đâu ngờ theo tôi lên bục giảng suốt những năm tháng.

Tôi nhớ lúc thầy đứng trước lớp, cầm viên phấn vo tròn, da diết đọc:

Em chạy theo anh, em vấp, em té sấp bụi bờ

Miệng em kêu, tay em ngoắc

Em biểu anh chờ sao anh lại đi luôn”

Câu ca dao thầy chọn chỉ để dẫn chứng cho thể thơ lục bát biến thể so với thể lục bát truyền thống vậy mà khiến tôi thuộc mãi đến giờ

Một lần thầy hỏi chúng tôi: “con cò trong ca dao thường là biểu trưng cho người mẹ, người vợ, người phụ nữ tảo tần, người nông dân chăm chỉ, vất vả trên đồng ruộng, vậy chớ thầy hỏi các em, có con cò nào trong ca dao biểu trưng cho cái xấu không?

Cả bọn ngồi ngắc ngứ, thầy chỉ tôi (cái đứa từng được 10 điểm tiểu luận môn học của thầy), tôi cũng… cười trừ. Thầy tủm tỉm cười rồi bảo, đây nhé:

“Cái cò là cái có quăm

Mày hay đánh vợ mày nằm với ai

Có đánh thì đánh sớm mai

Đừng đánh chập tối chẳng ai cho nằm”

Và… nếu ai đã từng là sinh viên trong lớp tôi dạy, chắc chắn cũng đã từng nghe tôi đọc lại bài ca dao này như thế.


PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị (thứ 2 từ phải qua) cùng các giảng viên bộ môn Văn hóa dân gian Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.

Những ngày tháng học cao học đó và cả sau này khi làm nghiên cứu sinh, tôi cứ gặp thầy mượn sách và xin sách. Mới năm ngoái đây thôi, khi tôi làm một đề tài nghiên cứu, lại cầu cứu đến thầy tìm giúp một cuốn ca dao dân ca đồng bằng Sông Cửu Long mà thầy và các cộng sự đã xuất bản từ mấy mươi năm trước. Trong nhà thầy chỉ còn duy nhất 1 cuốn cũ xì, rách bươm, thầy nhờ con gái thầy là cô Quỳnh Ngọc chuyển giúp cho tôi mượn.

Tôi được làm luận văn và luận án với một giáo sư đầu ngành về folklore học là thầy Chu Xuân Diên. Ngày tôi bảo vệ luận văn thạc sỹ, thầy Bùi Mạnh Nhị làm chủ tịch hội đồng, sau khi tuyên bố kết quả chấm điểm, thầy chúc mừng tôi và bảo “hôm nay chỉ là tiểu đăng khoa, thầy chúc Thi Gia sắp tới sẽ đại đăng khoa với kết quả mẹ tròn con vuông em nhé!” (lúc ấy tôi mang thai con trai đầu lòng đã gần 8 tháng).

Thời gian tôi làm nghiên cứu sinh, bảo vệ chuyên đề và luận án các cấp, thầy đã được điều ra Bộ GD&ĐT để nhận nhiệm vụ lớn hơn nên thầy không tham gia hội đồng nào nữa. Đến khi tôi làm đề tài nghiên cứu sau tiến sỹ, thầy nhận lời làm chủ tịch Hội đồng khi nghiệm thu giữa kỳ. Và vì đề tài tôi thực hiện cũng là một phần trong công trình lớn hơn mà thầy đang theo đuổi nên thầy đã cho tôi những góp ý chuyên môn tận tình cùng những lời chia sẻ gan ruột về những khó khăn khi chọn nghiên cứu vấn đề này. Thầy nói: “Việc chú thích từng mục từ Việt cổ, từ Nam Bộ xưa, từ Hán Việt, từ gốc Pháp trong câu hát dân gian Nam Bộ cuối thế kỷ 19 không dễ dàng gì, phải đòi hỏi tính tỉ mỉ, kiên trì, tra cứu cẩn thận. Thi Gia lại là cái đứa làm thơ tâm hồn và đầu óc bay bỗng thì làm việc này còn khó hơn gấp bội. Mà khó mấy cũng ráng hoàn thành thiệt tốt em nhé”.

Rồi khi tôi nghiệm thu cuối kỳ, thầy… mệt, mệt lắm, không tham gia được. Kết quả đề tại đạt xuất sắc, tôi khoe ngay với thầy trong hôm ấy. Thầy khen rất nhiều và dặn dò tôi nhớ hỗ trợ cho anh Nghĩa đang tiếp tục công việc của thầy mà thầy vì…. mệt quá nên không làm thêm được.

Rồi cách đây chỉ vài ngày thôi, công trình của tôi đã in thành sách, tôi còn chưa kịp khoe với thầy thì… thầy không còn ở đó để chúc mừng tôi nữa. Tôi nhớ như in lần gặp cuối, trong Hội đồng chuyên môn mà tôi được góp mặt cùng thầy, thầy vẫn vậy, duyên dáng và hóm hỉnh, khiến bữa cơm trưa thân tình của chúng tôi hôm đó cứ lao xao đầy ắp tiếng cười.

Cái giọng đọc ca dao ấy, bình giảng về những bài ca dao ấy đã gieo thêm vào tôi lòng yêu thấm đẫm về văn học dân gian của đất mình, lòng tự hào và trách nhiệm với con đường mà mình đang theo đuổi.

Mãi mãi kính nhớ thầy, thầy ơi!

PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị (1955-2023)

PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị, sinh năm 1955, quê xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, Nam Định.

Sau khi tốt nghiệp đại học (ngành văn học) năm 1977 tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1, thầy Bùi Mạnh Nhị công tác tại khoa ngữ văn Trường đại học Sư phạm TP.HCM.

Sau đó, từ năm 1978-1980, ông học cao học ngành văn tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1.

Từ năm 1985, ông làm Phó trưởng bộ môn Văn học Việt Nam, khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện hàn lâm Khoa học Nga năm 1992 và bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học năm 1995 tại Viện hàn lâm Khoa học Nga.

Từ năm 1996-1999, tiến sĩ khoa học Bùi Mạnh Nhị làm phó chủ nhiệm, rồi làm chủ nhiệm khoa ngữ văn Trường đại học Sư phạm TP.HCM.

Từ 1999-2007, ông Bùi Mạnh Nhị làm hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM.

Từ 2007-2015, ông được bổ nhiệm làm vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ năm 2016, ông làm ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương.

Từ 2015 đến 2019 ông làm chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Từ tháng 2/2019, ông làm giảng viên cao cấp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị từ trần ngày 05/4/2023.

TS. La Mai Thi Gia (Giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM)

Theo Tạp chí điện tử Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Dành cho doanh nghiệp